Trong NTTS, để giảm thiểu những bất lợi do sử dụng hóa chất và để xử lý chất thải hữu cơ dư thừa trong môi trường, việc sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng bệnh cho vật nuôi và cải thiện môi trường là ưu tiên hàng đầu.
Khái quát về chế phẩm sinh học
- “Chế phẩm sinh học là các sản phẩm có nguồn gốc sinh vật, kể cả vi sinh vật, các thực liệu lấy từ nấm, vi trùng, virus và các nguyên sinh, độc tố, nọc độc từ nguồn động vật hoặc thực vật gây hại cho động vật để chuẩn đoán, phòng bệnh, chữa bệnh cho thủy sản nuôi trồng và xử lý môi trường nước NTTS”.
- Thành phần chính của chế phẩm sinh học gồm: vi sinh vật có lợi, acid amin/protein, vitamin, khoáng chất, dinh dưỡng.
Dạng sản phẩm của chế phẩm sinh học
Về bản chất sinh học, sản phẩm có 2 dạng:
- Dạng probiotic là các loài vi khuẩn ở dạng sống tiềm sinh. Khi đưa chế phẩm sinh học vào môi trường nước ao, gặp điều kiện thuận lợi, các vi sinh vật có lợi sẽ sinh sôi và phát triển rất nhanh.
- Dạng prebiotic là các chất bổ sung vào thức ăn hay môi trường ao nuôi. Dạng sản phẩm thương mại: chế phẩm sinh học được sản xuất dưới dạng viên, dạng bột và dạng nước.
Vai trò, cơ chế tác động
- Tiết ra các hợp chất ức chế chống lại vi khuẩn gây bệnh
- Cạnh tranh dinh dưỡng và năng lượng với vi khuẩn có hại
- Cạnh tranh nơi cư trú với vi khuẩn có hại
- Tương tác với thực vật thủy sinh
- Cải thiện chất lượng nước
- Tác động lên vật nuôi
Công dụng của men vi sinh – chế phẩm sinh học
- Cung cấp các chủng vi sinh vật sống có lợi cho môi trường ao nuôi
- Phân giải mạnh xác tảo tàn, thức ăn dư thừa, chất hữu cơ trong nước, nitrat hoá, sunphat hoá
- Giảm các độc tố trong môi trường nước giúp vật nuôi phát triển tốt
- Hấp thu và keo tụ các chất hữu cơ lơ lửng và vi khuẩn trong nước xuống đáy ao
- Xử lý ô nhiễm bùn đáy ao nuôi và làm giảm sự gia tăng lớp bùn đáy ao
- Gây màu nước cho ao nuôi (tạo thêm thức ăn tự nhiên cho ao nuôi)
- Giúp ổn định độ pH của nước , gián tiếp làm tăng oxy hoà tan trong nước, làm cho vật nuôi khoẻ mạnh, ăn khoẻ, mau lớn.
- Nâng cao khả năng miễn dịch của vật nuôi
- Ức chế sự hoạt động và phát triển của vi sinh vật có hại, nhờ đó hạn chế mầm bệnh phát triển, giảm thiểu nguy cơ vật nuôi bị nhiễm bệnh (như tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh phát sáng, mòn đuôi, rụng râu ở tôm nuôi).
- Kích thích tiêu hoá của vật nuôi (nhờ các enzyme như protease, lipase, amylase,…)
- Ngoài ra, men vi sinh còn làm thức ăn bổ sung : chế phẩm sinh học được trộn vào thức ăn của tôm, cá, làm giảm hệ số tiêu hoá thức ăn và phòng chống các bệnh đường ruột.
Lợi ích:
- Giảm chi phí sử dụng thuốc kháng sinh và hoá chất trong việc điều trị bệnh, góp phần cải thiện chất lượng nước trong hệ thống NTTS.
- Tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, giúp vật nuôi mau lớn, rút ngắn thời gian nuôi
- Tăng tỷ lệ sống và tăng năng suất thuỷ sản nuôi.
- Giảm chi phí thay nước và góp phần bảo vệ môi trường vùng NTTS.
Hướng dẫn sử dụng:
- Người nuôi thuỷ sản cần xác định mục đích sử dụng chế phẩm sinh học về thời gian dự định dùng cho ao nuôi, như để cải thiện chất lượng nước trước khi thả giống, ổn định môi trường, cải thiện môi trường (giảm các chất hữu cơ dư thừa), tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Bồi dưỡng sức khoẻ cho vật nuôi ( dùng chế phẩm sinh học có công dụng hỗ trợ tiêu hoá hoặc các loại men vi sinh trộn vào thức ăn cho vật nuôi để khôi phục lại hệ vi sinh đường ruột).
- Sử dụng men vi sinh lặp lại nhiều lần và định kì trong một chu kì nuôi. Cần đảm bảo đủ hàm lượng oxy hoà tan (không dưới 5mg/l) cho ao nuôi trong quá trình sử dụng. Không dùng chung với thuốc kháng sinh, hoá chất. Trước và sau khi sử dụng chế phẩm sinh học 2-3 ngày, tuyệt đối không sử dụng các hoá chất sát trùng nước cũng như các thuốc kháng sinh trộn vào thức ăn.
- Trong trường hợp đã sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh thì sau khi sử dụng kháng sinh, nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học có công dụng hỗ trợ tiêu hoá hoặc các loại men trộn vào thức ăn để khôi phục lại hệ men đường ruột cho vật nuôi (do thuốc kháng sinh đã làm ảnh hưởng xấu, thậm chí là làm hỏng hệ vi sinh đường ruột,làm cho vật nuôi có hiện tượng kém ăn, chậm lớn).
- Nên sử dụng chế phẩm sinh học ngay sau khi quá trình cải tạo ao vì trong quá trình cải tạo ao, diệt tạp, hầu như các vi sinh vật đều bị tiêu diệt. Việc đưa chế phẩm sinh học vào nước ao là để phục hồi sự hiện diện của vi sinh vật có lợi và tái tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho ao.
- Người nuôi cần theo dõi chất lượng nước và tình trạng của vật nuôi trước khi sử dụng chế phẩm sinh học. Nên đưa chế phẩm sinh học vào ao nuôi trong buổi sáng và khi có nắng ( 8-10h sáng), tăng cường sục khí để có đủ oxy hoà tan trong nước, đặc biệt là vùng đáy ao giúp cho quá trình tăng sinh khối và hoạt động phân huỷ của các vi khuẩn có lợi được thuận lợi, vì đa số vi khuẩn trong sản phẩm chế phẩm sinh học là vi khuẩn hiếu khí.
- Không cấp chế phẩm sinh học vào ao khi trời mưa. Nếu dùng chế phẩm sinh học trong ngày có nhiệt độ nước ao thấp, nên nuôi cấy trong nước ấm với nhiêt độ từ 30-50 độ C trước khi cấp vào ao nuôi.
- Nếu vật nuôi bị bệnh, sau khi điều trị bằng thuốc, nên sử dụng men vi sinh (chế phẩm sinh học) đường ruột để hỗ trợ tiêu hoá, khôi phục lại hệ men đường ruột của vật nuôi.
- Đối với tôm, từ khi nuôi 2 tháng trở lên, nên sử dụng các chế phẩm sinh học có thành phần vi khuẩn có khả năng khử tính độc của khí NH3, H2S, phân huỷ các chất hữu cơ tích luỹ trong ao, loại bỏ lớp bùn ô nhiễm làm sạch môi trường, khống chế các vi khuẩn, nấm và nguyên sinh động vật như các chủng vi khuẩn thuộc nhóm Nitrosomonas, Nitrobacter, Bacillus, Lactobacillus và Rhodoseudomonas, Rhodococus, Phodobacillus,…
- Nếu đã sử dụng các hoá chất như thuốc tím, BKC,… thì khoảng 2 – 3 ngày sau nên sử dụng chế phẩm sinh học để khôi phục lại các nhóm vi sinh vật có lợi trong nước để cải thiện chất lượng nước và hạn chế ô nhiễm môi trường. Bảo quản chế phẩm sinh học nơi khô ráo, tránh nơi có ánh sáng trực tiếp, vì sẽ làm chết các nhóm vi sinh vật có lợi.
- Người sử dụng, tiếp xúc với chế phâm sinh học phải sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động (đeo găng tay, khẩu trang, mặc quần dài, áo dài tay…)
Hình: Gây màu nước bằng men vi sinh