Vôi được sử dụng từ rất lâu cho sản xuất canh tác nông nghiệp. Việc sử dụng vôi đúng cách sẽ mang lại hiệu quả giảm chua cho đất tối đa, tuy nhiên không phải ai cũng có thể biết được thời điểm nào bón cho cây thích hợp, liều lượng bao nhiêu, nên bón loại vôi nào.
Tác dụng của bón vôi
- Vôi cung cấp Canxi (Ca) cho cây: Cây cần khá nhiều Canxi để làm vững chắc thành tế bào. Thiếu Canxi khiến cây dễ đổ ngã, dễ bị sâu bệnh, trái hay bị nứt, lá non biến dạng quăn queo rồi chết khô,…
- Khử chua đất (đất có pH < 7): Hầu hết đất trồng cây ăn trái đều bón nhiều phân hóa học nên qua nhiều năm đất sẽ bị chua sau đó làm giảm quá trình hấp thu phân bón của cây trồng. Khi đất chua hay độ pH xuống quá thấp cần phải khử chua ngay lập tức để tránh lãng phí phân bón. Thứ rẻ nhất để làm việc này chính là vôi.
- Ức chế sự phát triển của nấm bệnh: Đất bị chua, thoái hóa chính là môi trường thuận lợi cho nấm bệnh phát triển. Cải tạo đất bằng cách bón vôi là biện pháp ức chế nấm bệnh rất hiệu quả. Khi bón vôi sẽ khử trùng, diệt khuẩn, nâng cao pH giúp vi sinh có lợi sau một thời gian sẽ phát triển tốt hơn
Công dụng của từng loại vôi
Lúc bón vôi cần tìm hiểu kỹ về tác dụng của từng loại vôi sau đó đưa ra lựa chọn đúng chính xác loại vôi cần thiết để bón. Vôi để bón cho cây ăn trái có 3 loại chính sau đây:
1. Vôi tôi CaO -> Ca(OH)2
- Đặc tính: Tạo phản ứng rất mạnh khi gặp nước và có tác dụng diệt khuẩn rất mạnh.
- Tác dụng với đất: Tăng pH đất rất nhanh, sát khuẩn mạnh khi pha nước tưới. Thích hợp sử dụng để khống chế và dập tắt dịch bệnh.
- Lưu ý: Vôi này tiêu diệt cả vi sinh vật có hại và vi sinh vật có lợi. Dễ gây cháy lá, da tay và rể cây. Chỉ nên cho vôi này vào nước không làm ngược lại. Tuyệt đối không được kết hợp với các chế phẩm vi sinh có lợi.
2. Bột đá vôi CaCO3
- Đặc tính: Phản ứng nhẹ, diệt khuẩn yếu, cung cấp Canxi (Ca)
- Tác dụng với đất: Làm tăng pH đất nhanh, bổ sung Canxi cho đất.
- Lưu ý: Dễ sử dụng không gây cháy lá và rễ cây. Không được kết hợp với các chế phẩm vi sinh có lợi.
Bón vôi hiệu quả
Bón vôi cho đất là việc cần thiết khi canh tác và thâm canh cây trồng, tuy nhiên không phải bón vôi càng nhiều càng tốt, sử dụng vôi còn phải cân nhắc đến các tác hại của nó. Muốn bón vôi có hiệu quả cần tuân thủ theo một số nguyên tắc sau:
1. Bón đúng loại vôi:
- Đất bị phèn mặn và pH thấp < 4, nấm bệnh trong đất nhiều nên xử lý bằng bột đá vôi (CaCO3), vôi nung (CaO) và vôi tôi (Ca(OH)2).
- Đất có pH >5- 6 sử dụng bột đá vôi CaCO3 và vôi Dolomite CaMg(CO3)2
- Lượng vôi cần bón cho từng loại đất: Lượng vôi cần sử dụng căn cứ vào 3 yếu tố sau đây:
- Tùy thuộc vào độ chua của đất (độ pH). Đất bị chua nhiều cần bón nhiều vôi, đất ít chua bón ít vôi hơn.
- Đất sét cần bón nhiều vôi nhưng sau nhiều năm mới cần bón lại. Đất cát không nên bón một lần với lượng quá nhiều vì nó có thể làm ức chế sự hấp thụ một số dưỡng chất khác.
- Bón vôi tùy thuộc vào lượng chất hữu cơ trong đất: đất nhiều hữu cơ bón nhiều vôi và sau nhiều năm mới bón lại. Ngược lại nếu đất ít hữu cơ nên bón lượng ít hơn nhưng nên bón vôi thường xuyên hơn.
2. Lượng bón:
- Với đất sét, nhiều chất hữu cơ:
- pH từ 3,5 – 4,5 cần bón 2 tấn vôi/ha.
- pH từ 4,6 – 5,5 bón 1 tấn vôi/ha.
- pH từ 5,6 – 6,5 bón 0,5 tấn vôi/ha.
- pH > 6,5 không cần bón vôi.
- Với đất cát, ít chất hữu cơ:
- pH từ 3,5 – 4,5 bón < 1 tấn vôi/ha.
- pH từ 4,6 – 5,5, bón < 0,5 tấn vôi/ha.
- pH từ 5,6 – 6,5, bón < 250 kg vôi/ha.
- pH >6,5 không cần bón vôi.
3. Thời điểm bón:
- Với vườn cây chưa cho thu hoạch có thể bón bất cứ vào thời điểm nào trong năm.
- Với các vườn đang cho trái, chỉ nên bón sau khi đã thu hoạch xong kết hợp với các biện pháp chăm sóc sau thu hoạch khác như cắt cành, tạo tán, bón phân, bồi đắp bổ sung mặt liếp, phòng trừ sâu bệnh.
Rải đều lượng vôi trên mặt liếp rồi dùng cào răng xới sâu 5 – 10cm để trộn đều vôi với đất rồi tưới nước từ từ, tưới nhiều lần cho vôi hòa tan trong đất mới có tác dụng tốt.
Nguồn: “sưu tầm”