Thực trạng nghề nuôi tôm hiện nay, vi bào tử trùng EHP không chỉ đơn thuần là xảy ra theo thời vụ như các bệnh đỏ thân – đốm trắng hay hoại tử gan tụy cấp tính. Mà dịch bệnh này, đã phát triển rất mạnh mẽ trên phạm vi diện rộng, với độ bao phủ và khả năng lây nhiễm nhanh chóng.
Vì thế, việc cải tạo ao nuôi tránh bị nhiễm vi bào tử trùng EHP nói riêng cũng như các mầm bệnh khác nói chung, ngay từ khâu đầu cải tạo ao là rất quan trọng.
Cấu trúc tế bào EHP
Cấu trúc của EHP (bên trái) và EHP nảy mầm (bên phải)
EHP (Enterocytozoon hepatopenaei) là vi bào tử trùng có kích thước rất nhỏ, được bao bọc bởi 1 lớp vỏ rất chắc chắn. Các tế bào EHP thường sẽ có kích thước chiều dài khoảng 1μm, chiều rộng tế bào khoảng từ 0,5-0,6μm. Mỗi tế bào EHP sẽ có 1 sợi cực duy nhất, có độ dài khoảng 0,5μm, với 5-6 vòng xoắn. Sợi cực là cầu nối giữa EHP và tế bào vật chủ, nhằm truyền DNA sang tế bào vật chủ và thực hiện quá trình sinh sản.
Cải tạo ao nuôi tránh bị nhiễm vi bào tử trùng EHP
Bước 1: Tháo nước ao, vệ sinh làm sạch bạt và vá bạt bị rách (đối với ao bạt). Đặc biệt, dọn tất cả dụng cụ, thiết bị nuôi của vụ trước lên khỏi ao.
Cải tạo ao nuôi tôm tránh bị nhiễm EHP (rửa bạt và vá bạt bị rách)
Riêng đối với ao đất: Bà con cho tháo cạn nước trong ao nuôi và sên bùn thật kỹ lưỡng.
Cải tạo ao nuôi tránh bị nhiễm vi bào tử trùng EHP (sên bùn cho ao nuôi sau khi đã được tháo nước)
Bước 2: Bơm 1 lượng nước vừa đủ phủ kín toàn bề mặt đáy ao nuôi. Sau đó ngâm vôi CaCO3 vào ao nuôi để tăng pH lên 11-12.
– Ao bạt: Phun xịt toàn ao, dàn quạt, bờ ao, cầu nhá và ngâm oxy,… Liều dùng:10kg/1m3 nước. Phơi toàn ao 2 ngày nắng.
– Ao đất: Bón vôi CaCO3 khắp toàn bộ bề mặt đáy ao và bờ ao nuôi. Liều dùng: 600kg/1000m2. Phơi toàn ao 2 ngày nắng.
Mục đích: Do cấu tạo của EHP có lớp vỏ rất khó tác động bằng hóa chất, nên chúng ta thực hiện phương pháp “kích thích nảy mầm” (kích thích EHP phóng sợi cực). Thời gian nảy mầm của bào tử EHP sẽ kéo dài trong vài giây.
Bước 3: Xả bỏ nước ngâm vôi CaCO3 (Riêng đối với ao đất bà con bỏ qua bước này).
Mục đích: Sau khi bào tử EHP nảy mầm, EHP sẽ không quay về trạng thái ban đầu cho dù pH giảm xuống 10 hay 9,..
Bước 4: Ngâm hố siphon ao nuôi bằng Formol
Ao bạt: Phun xịt toàn ao, dàn quạt, bờ ao, cầu nhá và ngâm oxy. Tỷ lệ 1L Formol + 50L nước. Phơi toàn ao trong 2 ngày nắng.
Ao đất: Phun xịt đều khắp ao, dàn quạt, bờ ao, cầu nhá,.. Phơi toàn ao 2 ngày nắng.
Mục đích: làm hư hoại sợi cực của EHP sau khi EHP đã nảy mầm.
Khuyến cáo: Các dụng cụ nuôi sử dụng lại cho vụ nuôi mới, bà con nên ngâm qua nước vôi CaCO3 có pH = 11-12 và rửa lại bằng Formol hoặc Clorin trước khi sử dụng.